Khuôn 2 tấm và 3 tấm là gì ? cấu tạo khuôn 2 tấm ưu và nhược điểm
Khuôn 2 tấm là gì ?
Khuôn 2 tấm là loại khuôn ép nhựa có kết cấu đơn giản nhất. Mặt mở khuôn sẽ chia khuôn ra thành 2 phần đó là phần cố định hay còn gọi là phần cái và phần di động hay còn gọi là phần đực.
Để nhận biết loại khuôn này chỉ cần nhìn vào trạng thái lúc mở khuôn để lấy sản phẩm ra ngoài. Lúc này chỉ có mặt chia khuôn được mở ra và chia khuôn ra 2 phần riêng biệt. Kênh dẫn (runner) và sản phẩm cùng nằm một phía.
Khuôn 3 tấm là gì ?
Khuôn 3 tấm khi mở sẽ có 2 khoảng sáng, một khoảng để lấy sản phẩm, một khoảng để lấy kênh dẫn nhựa. Kênh nhựa và cổng nhựa sẽ tự động được tách ra khỏi sản phẩm khi mở khuôn. Loại khuôn 3 tấm tốn vật liệu do kênh dẫn nhựa dài.
Kết cấu khuôn 3 tấm phức tạp và tốn kém hơn kết cấu khuôn 2 tấm. Do đó, trong tất cả các trường hợp người học thiết kế khuôn nhựa cần tối ưu hóa chi phí bằng cách thiết kế khuôn 2 tấm.
Cấu tạo khuôn 2 tấm
Ít nhiều các bạn cũng đã biết Khuôn gồm có core và cavity (khuôn đực, khuôn cái). Ngoài ra thì trong bộ khuôn còn có nhiều bộ phận khác. Các bộ phận này lắp ghép với nhau tạo thành những hệ thống cơ bản của bộ khuôn, bao gồm:
Hệ thống dẫn hướng và định vị: gồm tất cả các chốt dẫn hướng, bạc dẫn hướng, định vị lõi, định vị vỏ khuôn… có nhiệm vụ giữ đúng vị trí làm việc của hai phần khuôn khi ghép với nhau để tạo lòng khuôn chính xác.
Hệ thống dẫn nhựa vào lòng khuôn: gồm bạc cuống phun, kênh dẫn nhựa và cổng phun làm nhiệm vụ cung cấp nhựa từ đầu phun máy ép vào trong lòng khuôn.
Hệ thống slide (bệ trượt): gồm lõi mặt bên, má lõi, thanh dẫn hướng, cam chốt xiên, xylanh thủy lực,… làm nhiệm vụ tháo những phần không thể tháo (undercut) ra được ngay theo hướng mở của khuôn.
Hệ thống đẩy sản phẩm: gồm các chốt đẩy, chốt hồi, chốt đỡ, bạc chốt đỡ, tấm đẩy, tấm giữ, khối đỡ,… có nhiệm vụ đẩy sản phẩm ra khỏi khuôn sau khi ép xong.
Hệ thống thoát khí: gồm có những rãnh thoát khí, van thoát khí có nhiệm vụ đưa không khí tồn đọng trong lòng khuôn ra ngoài, tạo điều kiện cho nhựa điền đầy lòng khuôn dễ dàng và giúp cho sản phẩm không bị bọt khí hoặc bị cháy khét, thiếu liệu.
Hệ thống làm nguội: gồm các đường nước, các rãnh, ống dẫn nhiệt, đầu nối,… có nhiệm vụ điều hòa nhiệt độ khuôn và làm nguội sản phẩm một cách nhanh chóng. Ngoài ra còn có hệ thống gia nhiệt để giữ nhiệt độ khuôn ổn định ở nhiệt độ cao đối với sản phẩm dùng nhựa kỹ thuật.
Hệ thống Hot runner: Hệ thống hot runner hay còn gọi là hệ thống kênh dẫn nóng. (Đọc thêm bài về Thiết kế hệ thống Hot runner)
Bulong – đai ốc: Dùng để cố định các tấm khuôn, các thành phầm linh kiện trong khuôn lại với nhau…
Ưu điểm của khuôn 2 tấm
- Cấu tạo đơn giản, dễ dàng vận hành trong sản xuất.
- Chi phí sản xuất khuôn thấp hơn với các loại khuôn khác.
- Cấu tạo đơn giản, tuổi thọ khuôn dài, ít phải bảo trì sửa chữa
- Thời gian chu kỳ ngắn.
- Việc chọn hình dạng và vị trí cổng sẽ dễ dàng hơn khi có khuôn hai tấm.
- Đối với sản xuất hàng loạt, giúp tích kiệm chi phí và thời gian.
Nhược điểm của khuôn 2 tấm
- Phần đuôi keo được thả rơi theo sản phẩm. Do đó sau khi hoàn thành quá trình Ép sản phẩm cần được loại bỏ phần đuôi keo sản phẩm.
- Khó ép được các sản phẩm lớn do giới hạn điểm bơm keo.
- Việc lựa chọn điểm bơm keo bị giới hạn, thường được bơm từ hông và mặt ngoài sản phẩm.
>>> Tìm hiểu về công việc nhân viên thiết kế khuôn mẫu là như thế nào ?
Kết luận:
Đây là kiểu khuôn cơ bản và thông dụng nhất, chỉ có hai phần là khuôn trước và khuôn sau, trên đó gồm có 1 hay nhiều lòng khuôn và lõi. Được cấu tạo gồm 5 hệ thống chính là:
Hệ thống định vị và dẫn hướng
Hệ thống cấp nhựa
Hệ thống đẩy sản phẩm
Hệ thống làm nguội
Hệ thống thoát khí
So với các khuôn 3 tấm khuôn 2 tấm thường được ưu tiên sử dụng nếu có thể đáp ứng quá trình ép, thẩm mỹ và khối lượng sản phẩm . Với các sản phẩm lớn hơn khuôn 3 tấm thường được sử dụng để đảm bảo quá trình phun.